Trang Chủ - CHÙA GIÁC NGỘ

Ý NGHĨA QUY Y TAM BẢO

Lễ làm con Phật trong truyền thống Phật giáo Việt Nam gọi là Quy y Tam Bảo.

Quy y có nghĩa đen là nương tựa, quay về;

Tam Bảo là Phật – Đức Phật Thích Ca người sáng lập đạo Phật;

Pháp – chân lý của Phật Thích Ca qua những bài thuyết giảng trong 45 năm với 38.000 bài kinh được lưu giữ dưới dạng sách, ebook, internet, sách nói;

Tăng – Tăng Đoàn Phật tức là các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-Ni, tối thiểu 4 vị trở lên.

 

“Quy y Tam Bảo” là trở về nương tựa đức Phật, chánh pháp của đức Phật và đoàn thể tăng sĩ Phật giáo. Ba ngôi tâm linh này trở thành điểm tựa tinh thần của tất cả những người tu học theo chân lý và đạo đức của Đức Phật. Phật, Pháp và Tăng có mặt trong mười phương thế giới và cũng có mặt trong mỗi người và mỗi loài. Quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng cũng có nghĩa là tin tưởng ở khả năng giác ngộ, khả năng chuyển hoá và khả năng tu tập hành đạo của bản thân, để sống an vui và hạnh phúc trong cuộc đời.

Chương trình buổi lễ

Để buổi lễ được diễn ra trang nghiêm và thanh tịnh, quý vị hãy đến đúng giờ và ăn mặc phù hợp
17g30Phật tử vân tập về tầng trệt Chùa Giác Ngộ để nhận phái quy y và quà tặng
18g00Phật tử ổn định chỗ ngồi tại Chánh điện lầu 1
18g15Cung nghinh Sư phụ và Tăng đoàn
18g30Buổi lễ làm con Phật - quy y Tam Bảo chính thức bắt đầu
19g00Đọc Kinh Người Áo Trắng, Sư phụ truyền trao Tam Quy Ngũ Giới
Phật tử cùng dâng lời phát nguyện làm con Phật - quy y Tam Bảo
19g15Sư Phụ thuyết giảng cho Phật tử mới
20g00Buổi lễ kết thúc

Nghi Thức Lễ Quy Y

01NGUYỆN HƯƠNG
(Thầy Bổn sư quì ngay thẳng, nâng ba nén hương lên ngang trán và xướng bài Nguyện Hương. Đại chúng mặc niệm và quán tưởng theo lời nguyện)

 

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Nguyện đem lòng thành kính
Gởi theo đám mây hương
Phưởng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thệ trọn đời giữ đạo
Theo tự tánh làm lành
Cùng pháp giới chúng sanh
Cầu Phật thương gia hộ:
Tâm bồ-đề kiên cố
Chí tu học vững bền
Xa bể khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác.

 

Chúng con ở đạo tràng Chùa Giác Ngộ, cung kính quỳ trước chánh điện, tán dương công đức bậc thầy ba cõi, xưng tụng hồng danh bậc giác ngộ của muôn loài, thành kính làm lễ Quy Y Tam Bảo, giúp cho các thiện nam tín nữ sau đây quay về nương tựa ba Ngôi báu là Phật, chánh pháp và hiền tăng.

 

Kính nguyện mười phương chư Phật và các vị Bồ-tát thương xót quang lâm chứng minh cho các tân Phật tử được thấm nhuần an vui và hạnh phúc trong cuộc đời.

 

Chúng con nguyện: Chánh pháp được lan truyền khắp chốn; lời Phật được phổ biến muôn nơi; người người từ bỏ tham giận, si mê; tưới tẩm từ bi, hạnh phúc; làm lành lánh dữ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau; thế giới dứt nghiệp binh đao; muôn loài an vui, hạnh phúc.

 

Lại nguyện đời đời kiếp kiếp thường làm bà con Phật pháp, quyến thuộc từ bi, hộ trì Tam Bảo ở mãi thế gian, sống trọn đời hanh thông trong phúc lạc. Từ nay, sạch hết não phiền, thoát vòng mê muội.

 

Nguyện cùng pháp giới chúng sanh đều chứng thành quả Phật.
Nam-mô Hương Cúng Dường Bồ-tát Ma-ha-tát (3 lần)
02TÁN DƯƠNG PHẬT VÀ ĐẢNH LỄ TAM BẢO
(Đại chúng đứng chắp tay, cung kính hướng về Phật, xướng lạy)

 

Phật là đấng giác ngộ mình,
Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời,
Từ bi, trí tuệ rạng ngời,
Là thầy ba cõi trời người xưa nay.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Đức Phật ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy)

 

Pháp là phương thuốc diệu thay,
Chữa lành bệnh khổ bao loài chúng sanh,
Như vầng trăng sáng lung linh,
Soi đường ra khỏi u minh mê mờ.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Tôn Pháp ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy)

 

Tăng là những bậc chân tu,
Biết đời huyễn mộng, giã từ ra đi,
Thấm nhuần trí tuệ, từ bi,
Độ đời thoát khỏi tham … si khổ sầu.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Hiền Thánh Tăng ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy)
03Tán Hương
(Đại chúng đứng thẳng và chắp tay trước ngực. Duy-na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Từ đây trở đi, chủ lễ xướng và đại chúng cùng tụng theo)
Lò hương vừa bén chiên đàn
Tỏa xông pháp giới đạo tràng mười phương
Hiện thành mây báu cát tường
Xin Phật chứng giám tâm hương chí thành
Pháp thân các Phật tịnh thanh
Chứng minh hương nguyện, phước lành rưới ban.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát.
04Tán dương giáo pháp
Pháp Phật cao siêu, lý rộng sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay con gặp được xin trì tụng
Nguyện hiểu chân Kinh nghĩa nhiệm mầu
Nam-mô Khai Pháp Tạng Bồ-tát.
05Kinh người áo trắng
Tôi nghe như vầy. Một thời đức Phật ở chùa Kỳ Viên do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng. Vào sáng hôm nọ, ông Cấp Cô Độc cùng với năm trăm cư sĩ thuần thành viếng thăm, đảnh lễ ngài Xá-lợi-phất, rồi ngồi một bên. Ngài Xá-lợi-phất dùng nhiều phương tiện, thuyết pháp khai tâm cho các cư sĩ, mang lại niềm vui và sự khát ngưỡng đối với Tam bảo cũng như thực tập con đường chuyển hóa.
Ngài Xá-lợi-phất hướng dẫn tất cả đến viếng đức Phật, đầu thành năm vóc, đảnh lễ chân Người, rồi ngồi một bên, an trú trong chính niệm. Thế Tôn ân cần dạy bảo mọi người những điều cốt lõi mà người tại gia cần siêng thực hành, để được an vui.
Này các đệ tử, nếu người áo trắng sống đời thanh cao, giữ gìn trọn vẹn năm điều đạo đức, tu tập đầy đủ bốn tâm cao thượng, có thể đạt được một cách dễ dàng phước và hạnh phúc ở trong hiện tại và biết chắc rằng không còn rơi rớt trong các nẻo ác.
Điều đạo đức thứ nhất: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa mọi sự giết hại, buông bỏ vũ khí, chấm dứt bạo động, tu tập từ bi, thương xót mọi loài, bảo vệ thiên nhiên, biết sống hổ thẹn, lương tâm trong sáng. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng nhổ tận gốc rễ tâm niệm giết hại, sống trong hạnh phúc và sự an vui.
Điều đạo đức thứ hai: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa mọi sự trộm cắp, tôn trọng sở hữu hợp pháp của người, những gì không cho thì không được lấy; vui thích bố thí, cứu người giúp đời vượt qua nghèo khổ; lúc bố thí thì không cầu đền đáp. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng không bị tâm lý tham lam, bỏn sẻn, keo kiệt che lấp, sống trong liêm khiết, giàu lòng vị tha.
Điều đạo đức thứ ba: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa tà dâm ngoại tình, sống hạnh chung thủy, bảo vệ hạnh phúc tất cả mọi người trong sự bảo hộ của cha và mẹ, hoặc cả cha mẹ, hoặc anh chị em, hoặc bên sui gia, hoặc vợ chồng con của mình. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng không bị tâm lý hưởng thụ thấp kém làm mất hạnh phúc.
Điều đạo đức thứ tư: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa những lời dối gạt, chấm dứt nói láo – chỉ nói sự thật, không nói chia rẽ – nói lời xây dựng, không nói thô tục – nói lời lịch sự, không nói tán gẫu – nói lời lợi lạc. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng an trú chính niệm, đáng được tin cậy, uy tín tăng trưởng.
Điều đạo đức thứ năm: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa rượu và ma túy, các chất gây say; chấm dứt thói quen hưởng thụ độc tố; không tham gia vào sản xuất, buôn bán các độc tố này. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng giữ gìn sức khỏe và sống hạnh phúc với người thân thương.
Này các đệ tử, làm người áo trắng, sống đời tại gia, hãy cố gắng giữ năm điều đạo đức vừa được tuyên thuyết, để sống hạnh phúc với nhiều phước báo trong đời hiện tại và đời tương lai.
Này các đệ tử, hãy lắng lòng nghe Như Lai giảng dạy phương pháp đạt được bốn tâm cao thượng trong hiện tại này, một cách dễ dàng với nhiều giá trị.
Tâm cao thượng một: Đệ tử áo trắng quán niệm Như Lai là bậc Giác ngộ không còn dính mắc, bậc Minh Hạnh Túc, là bậc Thiện Thệ, bậc Thế Gian Giải, bậc Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, là Thiên Nhân Sư, là Phật, Thế Tôn. Nhờ quán niệm này, vọng tâm, dục niệm thảy đều tiêu diệt; không còn yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ, lo âu ảnh hưởng, chi phối. Nhờ quán tưởng Phật, đệ tử áo trắng tâm được lắng trong, đạt an vui lớn.
Tâm cao thượng hai: Đệ tử áo trắng quán niệm chánh pháp được Phật giảng dạy tài tình dễ hiểu, có khả năng lớn đưa đến giải thoát mọi sự khổ đau và các phiền não; nhờ đó tâm được thư thái, không bị bức bách, an vui lâu dài.
Tâm cao thượng ba: Đệ tử áo trắng quán niệm Tăng đoàn của đức Thế Tôn, đi trên nẻo thiện, thánh đạo chân chánh, hướng theo giáo pháp, thực tập giáo pháp, sống đúng giáo pháp. Có vị đã chứng quả A-la-hán, quả A-na-hàm, quả Tư-đà-hàm, quả Tu-đà-hoàn, hoặc đang trên đường đạt các thánh quả ấy. Tăng đoàn gồm đủ bốn đôi, tám bậc, thành tựu đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát cũng như tri kiến giải thoát. Thánh chúng như thế đáng được tôn kính, phụng sự, cúng dường, là ruộng phước tốt cho đời gieo trồng.
Tâm cao thượng bốn: Đệ tử áo trắng quán niệm giới luật được Phật giảng dạy không có khuyết điểm, không bị tỳ vết, không bị nhơ uế, có khả năng lớn bảo hộ đạo đức, giúp người giữ giới an trú vững chãi trong cảnh giới Phật. Giới này thanh cao vốn được hiền trí khen ngợi, tiếp nhận, thực tập, truyền bá.
Này các đệ tử, nên ghi nhớ rằng đệ tử áo trắng khi thực tập được bốn tâm cao thượng một cách trọn vẹn là đã chấm dứt các nẻo xấu ác, không còn đọa lạc địa ngục, ngạ quỷ và loài súc sanh, hướng đến chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, ngay trong hiện tại. Người đệ tử ấy đi về nẻo giác, chuyển hóa phiền não, thanh tịnh thân tâm; qua lại tối đa bảy lần sinh tử trong cõi trời người là có thể đạt giác ngộ, giải thoát, không còn khổ đau.
06Giới sư khai đạo
Giờ này toàn thể đại chúng đã tập họp để chứng minh và hộ niệm cho quý vị trong lễ phát nguyện làm Phật tử, suốt đời tôn thờ Phật, Pháp, Tăng và vâng giữ năm điều đạo đức.

 

Là người có duyên với đạo, quý vị đã thấy rõ được giá trị của con đường từ bi và trí tuệ, hướng đến giải thoát của đức Phật là con đường lý tưởng với giá trị đạo đức và tâm linh cao nhất mà tổ tiên chúng ta đã đi theo trong bao nhiêu thế hệ. Hôm nay các vị có chí nguyện noi theo con đường sáng suốt đó là phước lành rất lớn.

 

“Quy y Tam Bảo” là trở về nương tựa đức Phật, chánh pháp của đức Phật và đoàn thể tăng sĩ Phật giáo.

 

Phật, Pháp và Tăng có mặt trong mười phương thế giới và cũng có mặt trong mỗi người và mỗi loài. Quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng cũng có nghĩa là tin tưởng ở khả năng giác ngộ, khả năng chuyển hoá và khả năng tu tập hành đạo của bản than, để sống an vui và hạnh phúc trong cuộc đời.
07Truyền tam quy
(Trong giờ phút thiêng liêng và trọng đại này, quý vị hãy chắp tay, lặp lại lời phát nguyện quay về nương tựa ba Ngôi Báu.)

 

Đệ tử chúng con tên là (đọc nhẩm họ tên) xin nhận đức Phật làm thầy, bậc phước trí vẹn toàn, giúp con giải phóng khổ đau. Xin Phật chứng minh cho chúng con.
Đệ tử chúng con tên là (đọc nhẩm họ tên) xin nhận chánh pháp làm thầy, nguồn tuệ giác từ bi, giúp con sống trong hạnh phúc. Xin Phật chứng minh cho chúng con.
Đệ tử chúng con tên là (đọc nhẩm họ tên) xin nhận chân sư làm thầy, đoàn thể sống thanh cao, giúp con tinh tấn thực tập. Xin Phật chứng minh cho chúng con.
08Thầy truyền giới khai đạo
Quý vị đã chính thức tiếp nhận pháp Tam Quy, tôn thờ ba viên ngọc quý trong tâm và đời sống hằng ngày của quý vị. Đây là giờ phút quan trọng của lễ phát nguyện làm Phật tử, vâng giữ năm điều đạo đức của Phật dạy. Năm điều đạo đức này là nền tảng cho một cuộc sống có hạnh phúc, có chí hướng vị tha, có năng lực bảo vệ sự sống và làm đẹp cho cuộc đời.

 

Năm điều đạo đức là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta đến một cuộc sống an lạc và tỉnh thức; là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình và xã hội. Học hỏi và thực tập năm điều đạo đức, ta sẽ đi đúng con đường chánh pháp, ta sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và thất vọng; ta sẽ xây dựng được an lạc và giải thoát cho bản thân, cho gia đình và đóng góp vào phẩm chất an lạc và hòa bình cho xã hội.

 

Giờ đây, tất cả quý vị hãy lắng nghe năm điều đạo đức với một tâm hồn thanh tịnh. Hãy lặp lại từng điều đạo đức với ý thức phát nguyện hành trì.
09Vâng giữ năm điều đạo đức
(Quý vị hãy chắp tay lặp lại lời phát nguyện giữ năm điều đạo đức)

 

Điều đạo đức thứ nhất: Không được giết hại. Nhận thức được rằng giết hại mang lại khổ đau, chúng con nguyện mở lòng từ bi, bảo vệ sự sống, xây dựng hoà bình, thương yêu loài vật, bảo vệ môi sinh. Xin Phật gia hộ cho chúng con.
Điều đạo đức thứ hai: Không được trộm cướp. Nhận thức được rằng trộm cướp mang lại khổ đau, chúng con nguyện tôn trọng sỡ hữu của người, nhường cơm sẻ áo, giúp người bất hạnh vượt qua khổ đau. Xin Phật gia hộ cho chúng con.
Điều đạo đức thứ ba: Không được ngoại tình. Nhận thức được rằng ngoại tình mang lại khổ đau, chúng con nguyện sống chung thuỷ một vợ một chồng; bảo vệ hạnh phúc của người như chính hạnh phúc của gia đình mình. Xin Phật gia hộ cho chúng con.
Điều đạo đức thứ tư: Không được nói láo. Nhận thức được rằng dối gạt mang lại khổ đau, chúng con nguyện nói những lời chân thật, lời hoà giải và đoàn kết, lời có văn hoá và lịch sự, và những lời hay ý đẹp. Xin Phật gia hộ cho chúng con.
Điều đạo đức thứ năm: Không được uống rượu và các chất gây say. Nhận thức được rằng rượu, ma tuý và các chất gây say mang lại khổ đau, chúng con nguyện không tiêu thụ những độc tố và sản phẩm đồi trụy, bảo vệ sức khỏe của thân thể và hạnh phúc của tâm hồn. Xin Phật gia hộ cho chúng con.
10Sám quy y
Phật là đấng giác ngộ mình,
Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời,
Từ bi, trí tuệ rạng ngời,
Là thầy ba cõi trời người xưa nay.

 

Pháp là phương thuốc diệu thay,
Chữa lành bệnh khổ bao loài chúng sanh,
Như vầng trăng sáng lung linh,
Soi đường ra khỏi u minh mê mờ.

 

Tăng là những bậc chân tu,
Biết đời huyễn mộng, giã từ ra đi,
Thấm nhuần trí tuệ, từ bi,
Độ đời thoát khỏi tham… si khổ sầu.

 

Con nay giác ngộ quay đầu
Quy y Tăng, Phật, Pháp mầu Như Lai,
Cho con hạnh phúc hôm nay,
Cho đời an lạc tại ngay dương trần.

 

Con nguyền từ bỏ sát sanh
Tôn trọng sự sống, tâm lành rải ban
Thương yêu người, vật, môi sinh
Cho đời hạnh phúc như mình lạc an.

 

Con nguyền từ bỏ trộm gian,
Mánh mung, cướp của, tham lam xin chừa.
Sống chân thật, chẳng lọc lừa,
Giữ tròn đạo nghĩa, cho vừa nhân sinh.

 

Con nguyền từ bỏ ngoại tình,
Một chồng một vợ, trung trinh tấm lòng.
Thương yêu, tôn trọng, cảm thông,
Ngọt bùi chia sẻ, thủy chung trọn đời.

 

Con nguyền từ bỏ nói sai,
Thêm thắt, chửi tục, móc moi hai đầu.
Nói như chánh pháp cao sâu,
Im như bậc thánh nhiệm mầu thấy nghe.

 

Con nguyền từ bỏ rượu chè,
Say sưa, nghiện ngập, thần mê, trí mờ,
Để không bệnh hoạn, thẫn thờ,
Để cho tâm trí lặng tờ sáng trong.

 

Từ nay, con nguyện với lòng:
Giữ gìn năm giới quyết không phạm vào,
Để cho con sống thanh cao,
Để đời an lạc, dạt dào tình thương.

 

Con nguyền noi đấng Pháp Vương,
Học tu chánh pháp, thoát vòng tử sanh.
Tham thiền, niệm Phật chân thành,
Tu tâm dưỡng tánh, dứt phần ác duyên.
Nguyện cho sáu cõi ba miền
Thoát vòng tục lụy, an nhiên Niết-bàn.
11Hồi hướng công đức
Quy y tu tập, phước tăng,
Xin đem hồi hướng xa gần, khắp nơi.
Nguyện cho tất cả trời người,
Đều vào cõi Phật, sáng ngời chân tâm.
Nguyện trừ ba chướng trầm luân,
Sống trong trí tuệ, tịnh thanh cõi lòng.
Nguyện cho tội nghiệp tiêu mòn,
Noi theo Bồ-tát làm tròn tấm gương.
Nguyện sanh cõi tịnh Tây phương,
Mẹ cha: Chín phẩm sen vàng nêu danh,
Hoa cười, chứng ngộ vô sanh,
Cùng hàng Bồ-tát đồng hành tâm linh.
Nguyện đem công đức tạo thành,
Hướng về tất cả chúng sanh mọi loài,
Rải ban hạnh phúc muôn nơi,
Giúp người giác ngộ, an vui đạo mầu.
12Đảnh lễ ba ngôi báu
(Đại chúng cùng chắp tay, cùng tụng và cùng lạy)

 

Con xin nương tựa Phật,
Bậc Phước Trí Viên Thành,
Cầu tất cả chúng sanh
Giác ngộ, phát tâm lành. (1 lạy)
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác, từ bi,
Cầu tất cả chúng sanh
Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (1 lạy)
Con xin nương tựa Tăng,
Đoàn thể sống an vui,
Cầu tất cả chúng sanh
Hòa hợp, thương mến nhau. (1 lạy)
13Thuyết giảng và đọc pháp danh
Thuyết giảng bài pháp thoại về đề tài chọn lọc mang tính hướng dẫn cho người mới vào đạo. Sau đó, dành 5-10 phút sách tấn và đọc pháp danh như dưới đây. Thầy truyền giới của quý vị là thầy (đọc tên giới sư) là pháp danh của quý vị là do chính thầy đặt, bắt đầu bằng chữ Giác (cho người nữ) và chữ Ngộ (cho người nam).
Bắt đầu từ giờ này trở đi, quý vị đã chính thức trở thành những người học trò của bậc Giác Ngộ và đã nguyện sống theo nếp sống tỉnh thức và an lạc của Phật. Quý vị phải thường xuyên ôn tụng ba điều nương tựa và năm điều đạo đức mỗi nửa tháng ít nhất một lần, để bảo hộ sự hành trì.
Là người đệ tử Phật, quý vị nên tinh tấn tu học theo con đường mà Phật đã dày công chỉ dạy, để tạo an lạc và hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người. Quý vị nên dành thời gian đi chùa mỗi tuần ít nhất một lần vào ngày thứ bảy hay chủ nhật. Quý vị nên đến chùa sám hối vào ngày 14 và ngày cuối tháng âm lịch. Quý vị nên tập ăn chay, mỗi tháng ít nhất hai ngày để nuôi lớn tình thương với các loài động vật. Quý vị nên tham dự các sinh hoạt văn hoá Phật giáo do các chùa tổ chức. Quý vị nên siêng năng đi Chùa nghe thuyết pháp và học giáo lý.

VẤN ĐÁP VỀ QUY Y TAM BẢO

Quy y Tam bảo là gì?
“Quy y Tam Bảo” là trở về nương tựa đức Phật, chánh pháp của đức Phật và đoàn thể tăng sĩ Phật giáo. Ba ngôi tâm linh này trở thành điểm tựa tinh thần của tất cả những người tu học theo chân lý và đạo đức của Đức Phật.

 

Đây được coi như điểm khởi đầu của phật tử đi theo giáo lý đạo Phật. Khi một người quyết định quy y Tam Bảo, nó thể hiện một sự cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc đời để học hỏi, thực hành và thể hiện đức tính của đức Phật, Pháp và Tăng.

 

Điều quan trọng là làm thế nào nói rõ được giá trị vì sao ta theo đạo Phật và hạnh phúc khi là Phật tử. Khi nhận Phật làm Thầy, người Phật tử lấy chánh tín làm niềm tin. Khi nương tựa chánh pháp, người Phật tử học và thực tập chuyển hóa theo đạo Phật, thực tập hạnh hoà hợp, đoàn kết và dấn thân phụng sự.
Quy y Tam Bảo như thế nào?
Lễ quy y thực hiện trong chùa thường gồm những nghi thức: Niệm hương, Bạch Phật, Tán hương Cúng dường và Đảnh lễ Tam bảo… Trong buổi lễ quy y, phát nguyện “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng” là quan trọng nhất. Nếu đối diện trước Tam bảo, tín đồ đó thành tâm phát nguyện, nói lên được ba điều này thì sẽ chính thức trở thành Phật tử.

 

Sau khi quy y Tam bảo, thầy (bổn sư) sẽ trao truyền 5 giới và tùy tâm của mỗi Phật tử mà tự phát nguyện nhận lãnh (1, 2 giới hoặc hết cả 5 giới) để tuân thủ trong đời sống hàng ngày.
Quy y như thế nào là đúng pháp?

Nói về cách thức quy y thì thời hiện đại này có nhiều dạng khác nhau:

Cách 1: Quy y truyền thống tức là có mặt trong không gian của một ngôi chùa theo thông báo và hướng dẫn của nhà chùa, và quý vị tự mình phát nguyện theo hướng dẫn của thầy, nội dung như sau: từ nay cho đến trọn đời con xin tiếp nhận Đức Phật làm thầy, con xin tiếp nhận chánh Pháp làm thầy, con xin tiếp nhận Tăng đoàn làm thầy; con không nương tựa thượng đế, các thần linh, con không theo tôn giáo khác dù có lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra quý vị phát nguyện giữ 5 điều đạo đức: không giết người, bảo vệ hòa bình, không trộm cắp, tôn trọng sở hữu, không ngoại tình chung thủy vợ chồng, không lừa đảo, nói chân thực, nói hòa hợp, nói lịch sự, nói có ích, không rượu, ma túy, chất gây say; thì bằng một khóa lễ dù đơn giản trong vòng 15 phút hay dài 1 tiếng đồng hồ tùy theo các chùa, quý vị chính thức được thừa nhận là một Phật tử.

Trong quy y không có trường hợp quy y thế, các Phật tử ở miền Bắc, Bắc Trung bộ vì thương người thân mình nên đi đến chùa có một người, một bà mẹ thôi mà quy y thế cho chồng cho con cho các cháu là không hợp lệ.

Cách 2: Các học trò hợp duyên với một vị thầy nào đó nhưng vì ở xa, xa thành phố, xa quốc gia không thể đến nơi vì liên hệ đến tài chính và công việc làm nên có thể xin vị thầy đó quy y qua phương tiện kỹ thuật số. Vị thầy đó tổ chức một khóa lễ đàng hoàng, dùng hệ thống webcam hoặc các phương tiện hiện đại khác, hai bên chỉ cần mở máy lên, chánh điện ở đây nhà sư đang làm lễ truyền giới, phía bên kia thì phật tử đang hướng về với lòng tôn kính; nhà sư hướng dẫn phát nguyện điều gì thì Phật tử đọc theo, dù xa cách nhau là nửa vòng trái đất việc quy y đó vẫn được xem là hợp chánh pháp, Thiền sư Nhất Hạnh là người Việt Nam đầu tiên truyền giới quy y qua phương pháp này.

Cách 3: Nếu không biết sử dụng các tiện ích kỹ thuật số, có thể quy y qua điện thoại, người quy y đối diện trước một mặt phẳng ở trong nhà của mình hay là một ngôi chùa nào đó không có sư và vị thầy truyền giới đó sẽ cầm điện thoại và hướng dẫn nghi thức quy y, bên kia làm theo đúng hướng dẫn thì quy y đó được coi là đúng pháp.
Ngoài 3 trường hợp này, các trường hợp còn lại có một số nơi làm như thế này: chỉ cần gặp nhau thầy quy y cho con rồi, thầy đặt pháp danh cho con rồi! Cách đó là không đúng pháp vì chưa có sự phát nguyện 3 điều nương tựa tâm linh tức là: Phật, Pháp, Tăng và 5 điều đạo đức.
Quý vị có thể chọn lựa cách thích hợp cho mình và ai đang quý mến đạo Phật tham gia sinh hoạt tại các chùa, chưa chính thức quy y thì chưa trở thành Phật tử thì hãy chọn thời điểm thích hợp nhất, nhân duyên gần nhất để quý vị chính thức trở thành Phật tử.

Quy y Tam bảo tại nhà có đúng không?
Khóa lễ quy y nhằm giúp cho người hữu duyên với Đức Phật tự mình phát nguyện nhận đức Phật làm thầy, nhận chân lý Phật làm thầy và nhận Tăng đoàn Phật làm thầy. Trong khóa lễ, quý vị cam kết phát nguyện với lời nói đang lúc minh mẫn thì đã chính thức là Phật tử và sau đó mỗi Phật tử phải giữ 5 điều đạo đức: không giết người, bảo vệ hòa bình, không trộm cắp, tôn trọng sở hữu, không ngoại tình chung thủy vợ chồng, không lừa đảo, nói chân thực, nói hòa hợp, nói lịch sự, nói có ích, không rượu ma túy, giữ sức khỏe để chăm sóc hạnh phúc cho người thân, đó là cốt lõi của một khóa lễ quy y. Còn quy y ở chùa, ở nhà, ở giữa chợ, quy y ở thuyền, máy bay , xe lửa hay xe hơi đều có giá trị giống nhau.

 

Thời hiện đại này, có thể quy y online, người quy y có thể ở tình thành A , quốc gia A , người truyền giới quy y có thể ở tình thành B, quốc gia B nếu như ta có được điện thoại thông minh với Facebook, Skype, hoặc những phần mềm nào có thể nhìn thấy video đang diễn ra trực tiếp thì quý vị chỉ cần lập theo nguyên văn của vị thầy truyền giới ở đầu địa điểm này, quý vị ở đầu địa điểm khác thì giá trị quy y trong tình huống đó vẫn xem là hợp lệ và có giá trị như nhau. Quan trọng là mình hiểu được nội dung quy y là gì gồm có 3 ngôi tâm linh Phật, Pháp, Tăng và 5 điều đạo đức Phật dạy và cố gắng ứng dụng những điều đó trong đời sống thực tiễn.

 

Do đó, nếu không vì lý do sức khỏe, không vì ở nơi quá xa bất tiện, các lễ quy y được diễn ra tại chùa thì quý vị nên có mặt tại chùa. Lễ quy y chỉ trong vòng 30 phút nhưng đủ tạo ra sự chấn động tâm thức, một ấn tượng sâu sắc và điều đó sẽ giúp ích cho quý vị trở thành Phật tử có chiều sâu, Phật tử trọn vẹn về sau này và ngay bây giờ đây.
Tại sao nên đến Chùa để quy y Tam Bảo?
Chùa là chốn thiêng liêng, có tượng Phật, có không gian tâm linh và có nhiều bạn đồng tu khác cùng đến tham dự khóa lễ. Lễ quy y tập thể thường được diễn ra ở các chùa vào rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng 7, rằm tháng 10, và một số nơi tổ chức thêm một số ngày quy y khác. Tác dụng tâm lý tích cực khi tổ chức lễ quy y tại chùa có đông người tham dự bao giờ cũng cao hơn là quy y tại nhà.

 

Nhà chúng ta thường thiếu không gian, bàn thờ chưa chắc đã trang nghiêm; cũng giống như bác sĩ đi đến gia đình để điều trị bệnh thì tâm lý của bệnh nhân không cảm thấy quý trọng bằng việc bệnh nhân phải đến bệnh viện để gặp bác sĩ giỏi để điều trị bệnh cho nên để có tác dụng tốt người quy y nên đến chùa làm lễ.

 

Quy y tại nhà có một vài người thường các thầy, các sư cô nếu được yêu cầu như thế thường tổ chức một nghi thức rất ngắn gọn, không thể nào chu đáo đầy đủ như được tiến hành ở một ngôi chùa được.

 

Trong trường hợp bị bệnh nặng, người bệnh không thể di chuyển được do lý do sức khỏe thì có thể quy y ở bên giường bệnh bao gồm ở bệnh viện hay tại tư gia đều được, giá trị đó vẫn ngang nhau.
Ngũ giới là gì? Tại sao nên người Phật tử cần giữ ngũ giới?

Ngũ giới là năm điều đạo đức của người Phật tử, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta đến một cuộc sống an lạc và tỉnh thức; là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình và xã hội. Học hỏi và thực tập năm điều đạo đức, ta sẽ đi đúng con đường chánh pháp, ta sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và thất vọng; ta sẽ xây dựng được an lạc và giải thoát cho bản thân, cho gia đình và đóng góp vào phẩm chất an lạc và hòa bình cho xã hội.

Sau khi đã phát nguyện giữ năm giới quy y mà vi phạm thì có tội hơn không?
Theo đạo Phật nói riêng theo quan điểm Phật học nói chung khi chúng ta quý kính Đức Phật và các giá trị thực tiễn từ lời dạy của Đức Phật việc chậm trễ trở thành người phật tử là sự lỗ lã cho bản thân, một số người do dự không trở thành Phật tử quy y tam bảo chính thức do bị vướng kẹt vào những sai lầm sau đây:

 

Thứ nhất: Đã làm đệ tử Phật qua một khóa lễ quy y mà không giữ được các điều đạo đức phật dạy, tội do vậy sẽ nặng hơn vì biết mà không làm được. Trên thực tế có quy y hay không có quy y, khi phạm pháp thì tội vẫn bị xử giống như nhau, không có nặng hơn hay nhẹ hơn, đó là công bằng của luật pháp, và về phương diện nhân quả cũng như thế. Trong kinh Na Tiên, Tuệ Đức Na Tiên đã lý giải rất sâu sắc người có quy y thọ giới mà không làm được, tội không những không nặng hơn mà còn nhẹ hơn. Khi một người phát giữ 5 điều đạo đức mà lỡ vi phạm, ông ấy bà ấy cảm thấy ray rứt lương tâm, xấu hổ về phương diện xã hội, cho nên sẽ có một cam kết là không tái phạm trong tương lai sẽ có một con đường để thoát ra khỏi nó, còn những người phạm pháp, tạo xấu tạo ác nhưng không biết nó là xấu và phạm pháp sẽ không có con đường để thoát ra, họ lún rất sâu trên con đường tội lỗi, về phương diện này chúng ta phải điều chỉnh nhận thức người biết mà chưa làm được còn tốt hơn là người biết mà không làm được. Do vậy ta nên nhanh chóng chính thức làm Phật tử qua một khóa lễ chính thức.

 

Thứ hai: Một số người nam từ giới trung lưu trở lên khó giữ được hai điều đạo đức trong năm điều, không ngoại tình và không uống rượu ma túy, sợ vậy nên không chính thức trở thành Phật tử qua một khóa lễ quy y, một số phụ nữ thì sợ hai điều khác: ngoại tình và nói dối lừa đảo, chị em phụ nữ chủ yếu buôn bán tại các nước nông nghiệp và họ dùng 3 tấc lưỡi để tạo ra cái lợi tức nhiều hơn giá trị thật một sản phẩm được họ quảng bá bày bán. Do đó đừng sợ là chúng ta làm không được, nếu mình hiểu được nội dung thứ nhất chúng ta sẽ không sợ nội dung thứ hai này.

Thứ ba: Ở các chùa chúng ta cũng nên mạnh dạng không phải lúc nào chúng ta truyền quy y cũng kèm với 5 điều đạo đức, Đức Phật trong các kinh nguyên thủy nhất là kinh Trường bộ và Trung bộ, Đức Phật chỉ truyền có tam quy thôi, cũng có lúc Đức Phật truyền luôn cả ngũ giới, bây giờ chúng ta gắn liền 2 cái này vào cùng một thời điểm nên nhiều người biết rất rõ là cái nghề mình đang làm bị vướng kẹt vào ngoại tình, nói dối, uống rượu bia… nên không dám làm, nên lúc đó chúng ta nên thoáng mở truyền tam quy thôi, ngũ giới giữ chừng nào được thì cứ giữ, giữ không được thì họ chịu trách nhiệm đạo đức, họ chịu trách nhiệm luật pháp. Do đó phải thoáng trong tình huống này, để chúng ta không đóng cánh cửa với những người không giữ được 3 điều đạo đức vừa nêu. Trở thành Phật tử bằng một lễ quy y chính thức sẽ giúp cho chúng ta có trách nhiệm về việc phải nghiên cứu lời Phật dạy, ứng dụng lời Phật dạy, có kết quả an vui hạnh phúc trong đời sống hiện tại này bây giờ và tại đây. Khi còn suy nghĩ “tôi không là Phật tử, những điều hay lẽ phải đạo đức nhập thế dấn thân phụng sự chuyện đó dành cho các Phật tử chứ tôi không phải Phật tử, nên tôi không có trách nhiệm”, tức là ta đang đóng cửa ngõ để tăng trưởng phước báu và nhân cách ở bản thân ta, cho nên trong mọi tình huống, không quy y là một thiệt thòi lớn cho bản thân.

Những điều cần biết về quy y lại
Sự quy y lại là một cơ hội hâm nóng tâm bồ đề để giúp chúng ta vững niềm tin, tiếp tục tu học Phật có kết quả. Trong 5 tình huống sau đây, sự quy y lại rất đáng được khích lệ:

 

Trường hợp 1: Thầy quy y của quý vị đã qua đời, dù đã là Phật tử rồi nhưng quý vị cảm thấy có gì đó trống vắng và bị thối thoát niềm tin, do đó quý vị quy y lại với một vị thầy mới để phục hồi niềm tin.

 

Trường hợp 2: Vị thầy quy y của quý vị đã ra đời, không được Giáo hội công nhận vì phạm vào giới luật thì quy y lại rất cần thiết và làm cho quý vị khôi phục lại niềm tin rất nhanh.

 

Trường hợp 3: Quy y từ nhỏ khi quý vị chưa có ý niệm gì, không biết pháp danh là gì, thầy mình là ai, quy y ở chùa nào, nhớ là mình đã quy y rồi không có một tác động ảnh hưởng gì thì quy y lại mới giúp cho quý vị thật sự là Phật tử.

 

Trường hợp 4: Quý vị không tự mình quy y mà do gia đình, người thân ghi tên giùm ở một ngôi chùa tổ chức buổi lễ quy y. Quý vị hoàn toàn không có mặt, cũng không hướng về lễ quy y đó, điều đó được xem là không hợp lệ, vì vậy nên quy y lại khi để tự mình phát nguyện làm Phật tử.

 

Trường hợp 5: Sau một thời gian quy y, quý vị không hề tu học Phật, chểnh mản và bỏ quên Phật pháp. Quý vị nên quay trở về với Phật pháp nếu gặp được một duyên lành với một vị thầy, sư cô nào đó, khi ấy quý vị phát tâm quy y lại là rất đáng được khích lệ.

 

Trong những tình huống vừa nêu, việc quy y lại là rất cần thiết. Và trong những trường hợp này có 2 cách thức để đặt pháp danh, nếu vị nào thích pháp danh mới thì thỉnh thầy Trụ trì mới đặt pháp danh cho quý vị để chính thức đánh dấu chúng ta có một bước ngoặt mới trong đời đối với Phật pháp, còn nếu pháp danh nào đẹp chúng ta muốn giữ lại như một kỷ niệm chúng ta xin Trụ trì mới giữ lại tùy theo nguyện vọng giữa thầy và trò mà chúng ta có thể tùy duyên. Nếu thầy trụ trì nói là cần phải đặt pháp danh mới thì Phật tử chúng ta nên tùy thuận theo vì mỗi chùa có những quy định khác nhau, mỗi thầy có quan niệm khác nhau, chúng ta tùy thuận theo để tình thầy trò được tốt đẹp.

 

Trong trường hợp các cháu nhỏ đến chùa quy y sau khi sinh ra, sau đó 5 tuổi quy y lại, rồi lớn lên tiếp tục quy y, pháp danh nên giữ là một, hai, hay ba là tùy theo sở thích của quý vị.
Khi quy y Tam Bảo sẽ được ban pháp danh có ý nghĩa gì và sử dụng pháp danh vào khi nào?

Khi quý vị đăng ký quy y Tam Bảo, được Thầy chủ lễ ban pháp danh tại lễ quy y Tam Bảo để công nhận là Phật tử chính thức, sử dụng pháp danh khi đến Chùa, dự các khóa tu, hoặc trong các hoạt động văn hóa của đạo Phật như: lễ Hằng Thuận, lễ Vu Lan…

Phật tử sau khi quy y thì nên làm gì?
1. Tham gia sinh hoạt Phật giáo

 

Dù là ở tỉnh thành nào hay đang định cư làm việc tại quốc gia nào, mỗi tuần ít nhất vào chủ nhật hãy đến chùa sinh hoạt tu học với các bạn đồng tu, đó là cách chăm sóc sức khỏe tinh thần, sức khỏe tâm trí, tăng cường được sức khỏe cảm xúc và các giá trị cao quý trong đời. Hãy thương hạnh phúc của bản thân mình để những ngày cuối tuần có thể dành ra vài tiếng đồng hồ trải nghiệm chân lý Phật ở tại một ngôi chùa. Tại chùa Giác Ngộ, chiều thứ 7 (2h30) có chương trình Búp sen từ bi dành cho thiếu nhi (từ 3 đến 12 tuổi); sáng chủ nhật (6h30 đến 11h30) có khóa tu An lạc dành cho người trung niên và lão niên. Chiều chủ nhật (13h30 đến 15h), chương trình Tuổi trẻ hướng Phật thu hút giới thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đến tu học.

 

Trong trường hợp nơi chúng ta sinh sống không có chùa hoặc quá xa, quý vị có thể sinh hoạt đọc kinh Phật tại nhà, đọc nghiền ngẫm, không hiểu thì hỏi thăm các Thầy, các sư cô tại các chùa, hoặc tra từ điển Phật học online, tuyệt đối không đoán mò.

 

2. Giúp cho những người khác trở thành Phật tử

 

Là Phật tử thuần thành chúng ta nên đóng góp chất xám, thời gian, tâm huyết, sức lực, thậm chí là tịnh tài vào các hoạt động Phật sự do chùa tổ chức hoặc các Tăng Ni hướng dẫn. Tham gia vào các hoạt động này, với vai trò góp phần phát triển ngôi tự viện nơi mình đang sinh hoạt, quý vị không chỉ là Phật tử có đạo đức mà còn có tâm từ bi lớn, phụng sự lớn, mang lại lợi ích và thay đổi xã hội theo hướng bền vững. Do đó những gì chưa cần thiết chi tiêu thì đừng hoang phí, dành dụm 1 khoản tiền nhất định vào các hoạt động Phật sự: xây chùa, ấn tống kinh sách Phật, ấn tống máy nghe pháp, ủng hộ học bổng Tăng Ni du học, ủng hộ học bổng cho học sinh nghèo, .. và làm các việc nhập thế khác, trang trải tình thương yêu để giúp cho những người hữu duyên trở thành Phật tử.

 

Vì kiếp người là ngắn ngủi, sanh ra lớn lên, lập nghiệp, già, bệnh, và khép lại cuộc sống này, tâm thức tiếp tục tái sinh. Bằng thói quen làm việc nghĩa, việc thiện, chúng ta cảm nhận được niềm an vui hạnh phúc khi những người thụ hưởng được sự giúp đỡ của chúng ta trở nên hạnh phúc, vượt qua cái ngặt cái nghèo trong lúc khó khăn. Như vậy, khi chúng ta có học Phật, tham gia các Phật sự của chùa, làm các sự kiện, xuất bản, ấn hành, từ thiện, nhập thế, … quý Phật tử đang nỗ lực cùng các Tăng Ni tại các chùa lăn chuyển bánh xe chân lý của Đức Phật vào các ngõ ngách của cuộc sống, giúp cho nhiều người chính thức trở thành Phật tử!

 

3. Tập ăn uống thanh chay

 

Mỗi tháng các quý vị nên cố gắng ăn những đồ thanh chay, để một mặt không trực tiếp gián tiếp chấm dứt sự sống của các loại động vật, một mặt nuôi dưỡng tâm từ bi và hạn chế được các loại bệnh tật, để có được sức khỏe thể chất.

 

Người ăn chay góp phần bảo vệ môi trường và ngăn chặn được tình trạng hâm nóng toàn cầu. Vì mỗi 450 gram thịt được cung ứng vào thị trường thức ăn mặn làm gia tăng 280kg khí cacbonic, nạn ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, diễn ra vì để chăn nuôi người ta phá rừng,… việc giết mổ chúng làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, lò giết mổ tạo ra các mùi khí nồng nặc. Nói chung thực phẩm mặn, làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, do vậy làm tăng hiệu ứng nhà kính và hâm nóng dần lên, do đó về bản chất ăn chay các bạn đã trở thành anh hùng bảo vệ môi trường một cách gián tiếp.

 

4. Khi đi Chùa nhớ dùng pháp danh, ăn mặc phù hợp và tác phong trang nghiêm

 

Khi đi chùa quý vị nhớ dùng pháp danh, thay vì tên tục do cha mẹ đặt. Và chùa Giác Ngộ có pháp phục đồng phục dành cho nam và dành cho nữ, khi đến chùa Giác Ngộ hoặc bất cứ chùa nào để sinh hoạt, tu học, quý vị nhớ mang áo tràng để tạo ra tính thống nhất. Chúng ta tập làm quen với văn hóa Pháp phục để sử dụng đúng nơi chốn, đây cũng là cách để nhận dạng cộng đồng Phật giáo nói chung và cộng đồng Phật giáo chùa Giác Ngộ nói riêng.
Bao nhiêu tuổi thì có thể quy y Tam Bảo?
Khi con trẻ vừa đến lễ đầy năm 1 tuổi, con có thể đến chùa đăng ký quy y Tam Bảo, đến 3 tuổi có thể tham gia sinh hoạt thiếu nhi Búp Sen Từ Bi tại Chùa Giác Ngộ (hoặc các khóa tu thiếu nhi tại các Chùa khác) để làm quen tiếp xúc Phật pháp, học kỹ năng sống; rồi tiếp tục tham gia các nhóm khoá tu khác như Tuổi Trẻ Hướng Phật (12-35 tuổi), Một Ngày An Lạc (trên 35 tuổi), Thiền, kỹ năng sống (hoặc các khóa tu tương tự tại các Chùa khác).

 

Nếu đã quy y Tam Bảo từ nhỏ, thì lưu giữ và chuyển lại Giấy chứng nhận Quy Y Tam Bảo khi con cháu đến tuổi biết đọc viết để nhắc nhở học đạo; hoặc cách thuận tiện hơn chụp hình lại Giấy chứng nhận Quy Y Tam Bảo lưu truyền gửi chia sẻ ảnh qua Facebook tin nhắn Messenger lúc nào thuận tiện nhắc con cháu siêng năng học và thực tập Phật pháp qua các pháp thoại, sự kiện văn hóa Phật giáo được phát trực tiếp trên các kênh mạng xã hội Facebook/Youtube/website.
Nếu đã quy y Tam Bảo nhưng không thường xuyên đến chùa có được không?

Sau khi đã quy y Tam Bảo, nếu bận rộn công việc gia đình thì quý vị nghe thuyết pháp truyền hình trực tiếp qua Facebook Thích Nhật Từ hoặc các kênh truyền thông xã hội khác. Hiện nay chùa Giác Ngộ có các khoá tu được tổ chức định kỳ vào ngày thứ 7 và Chủ Nhật. Các Chùa khác trên khắp cả nước cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu định kỳ.

Nếu đã quy y Tam Bảo ở Chùa này, nhưng sau này về quê hoặc đi nước ngoài thì sinh hoạt Phật sự ở Chùa khác có được không?

Chùa nào quý vị thấy thuận duyên thì đăng ký quy y Tam Bảo. Quý vị có thể chọn ngôi chùa gần nơi mình đang ở, tham gia làm Phật sự, công quả, cùng các sư thầy sư cô phụng sự làm tốt đời đẹp đạo.

Tôi đã quy y Tam Bảo và mong muốn chồng/vợ và các con mình quy y Tam Bảo theo đạo Phật vậy có phim ảnh tư liệu nào về một lễ Quy Y Tam Bảo để thêm phần thuyết phục gia đình?

Quý vị có thể theo dõi và chia sẻ cho chồng/vợ con cái cùng xem các lễ Quy Y Tam Bảo phát trực tiếp trên Facebook Thích Nhật Từ và Chùa Giác Ngộ.

TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾPTT. Thích Nhật Từ thuyết giảng: "HỌC PHẬT, TU THIỀN VÀ LÝ TƯỞNG SỐNG" (phút 32 trở đi)Lễ Quy Y Tam Bảo cho gần 400 Phật tử mới tại chùa Giác Ngộ, lúc 18:15 ngày 1/12/2017Link youtube: https://www.youtube.com/watch?v=IDgyJrpfEsY

Người đăng: Thích Nhật Từ vào Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Cha mẹ tôi nay đã 70 tuổi nhưng chưa quy y Tam Bảo, vậy bây giờ quy y Tam Bảo được không?

Mỗi Phật tử như cánh tay nối dài của Đức Phật, cha mẹ quý vị yêu mến đạo Phật thì nên sớm quy y Tam Bảo trở thành Phật tử chính thức, thực tập nghe pháp thoại, đọc nghe kinh Phật để thân tâm an lạc.

Sau khi quy y Tam Bảo, quý Thầy dặn dò Phật tử cần độ người mới quy y Tam Bảo có ý nghĩa như thế nào? Cần độ bao nhiêu người?

Sau khi quy y Tam Bảo chính thức trở thành Phật tử, quý vị hãy tiếp tục là cánh tay nối dài, tìm và gieo duyên chân lý Phật cho người mới số lượng không giới hạn hiểu để yêu mến đạo Phật, đăng ký quy y Tam Bảo để trở thành Phật tử chính thức.

Một năm Chùa có bao nhiêu lễ quy y Tam Bảo?

Thông thường 1 năm có 4 lễ quy y Tam Bảo, định kỳ 3 tháng Chùa sẽ tổ chức lễ quy y Tam Bảo, Phật tử đăng ký hoàn toàn miễn phí. Ngày giờ và phiếu đăng ký thường xuyên được cập nhật cụ thể trên Facebook, website và các kênh truyền thông khác.

Giấy chứng nhận quy y Tam Bảo (phái quy y) là gì?

Giấy chứng nhận quy y Tam Bảo (phái quy y) là giấy chứng nhận trên đó ghi tên tuổi, pháp danh, ngày tháng năm quý vị đến chùa làm lễ quy y Tam Bảo.

LỊCH QUY Y TRONG NĂM 2023

LỊCH QUY Y TRONG NĂM 2023






Đăng ký

Địa chỉ

Email

Facebook